Thân thế Trưởng Tôn hoàng hậu

Xuất thân cao môn

Văn Đức hoàng hậu xuất thân từ tộc Tiên Ti, thuộc dòng dõi hoàng tộc Bắc Ngụy. Sau khi họ Thác Bạt vong quốc, tổ tiên bà vốn thuộc dòng trưởng tôn thất, nên cải họ thành [Trưởng Tôn thị; 長孫氏], và dần dời cả nhà đến Hà Nam, Lạc Dương để sinh sống. Đương thời không rõ tên thật của Hoàng hậu, sách Quan thế âm kinh tiên chú (观世音经笺注) chép tiểu tự của bà là Quan Âm Tì (观音婢)[2]; còn Trung Quốc Đế vương Hoàng hậu thân vương công chúa thế hệ lục [3] của Bách Dương (柏杨) lại đưa ra tên của Trưởng Tôn hoàng hậu là Trưởng Tôn Vô Cấu (長孫无垢).

Gia thế họ Trưởng Tôn cực kỳ hiển hách, từ thời Bắc Ngụy đến nhà Tùy đều có người tài ra làm quan, được gọi là Môn chuyện chung đỉnh, gia thế sơn hà (门传钟鼎,家世山河). Cha bà là Trưởng Tôn Thịnh (长孙晟), là Kiêu Vệ tướng quân nhà Tùy, từng có công bình định Đột Quyết. Mẹ đẻ của bà là Cao thị, thuộc dòng dõi hoàng tộc Bắc Tề, cháu gái của Thanh Hà vương Cao Nhạc, con gái của Nhạc An vương Cao Kính Đức (高敬德), em gái của danh thần Cao Sĩ Liêm. Trong gia đình bà có bốn người anh trai; huynh trưởng khác mẹ là Trưởng Tôn Hành Bố (長孫行布) đã qua đời năm 604 khi chống lại cuộc nổi loạn của Hán vương Dương Lượng (楊諒); Trưởng Tôn Hành An (長孫恆安); Trưởng Tôn An Nghiệp (長孫安業) và Trưởng Tôn Vô Kỵ. Vô Kỵ là anh ruột của bà, trong khi 3 người anh trước đều là con của bà vợ trước[4].

Cha bà Trưởng Tôn Thịnh đương thời có biệt danh "Nhất tiễn song điêu" (一箭双雕), cực kỳ uy dũng thiện chiến[5]. Với chức vụ Kiêu Vệ tướng quân, ông thường đảm nhận nhiệm vụ giao hảo giữa triều đình và Đột Quyết, góp nhiều công lao đáng kể. Đột Quyết nội quốc cũng rất kính trọng ông. Giọng nói của Trưởng Tôn Thịnh như tiếng sấm vang rền, nên phủ đệ của ông còn được gọi là Phích lịch đường (霹雳堂). Sinh trưởng trong gia đình vọng tộc của một danh tướng, từ nhỏ Trưởng Tôn thị đã được thừa hưởng một nền giáo dục rất tốt và bản lĩnh không thua kém.

Gả cho Lý Thế Dân

Trưởng Tôn thị là người con nhỏ nhất trong gia tộc, cho nên hôn sự của bà luôn được mọi người trong gia đình cẩn trọng chọn lựa. Chú của bà là Trưởng Tôn Sí (长孙炽) khi đó rất hâm mộ duệ trí của Đậu phu nhân vợ của Đường quốc công Lý Uyên. Xuất thân họ ngoại từ gia tộc Bắc Chu Vũ Văn thị, Đậu thị từng khuyên Bắc Chu Vũ Đế Vũ Văn Ung đối đãi hậu hĩnh Hoàng hậu A Sử Na thị của Đột Quyết, trứ danh một thời. Trưởng Tôn Sí cảm thấy một vị phu nhân kiệt xuất như thế, ắt hẳn sinh ra con trai không phải tầm thường, vì vậy khuyên Trưởng Tôn Thịnh nên có ý định kết thông gia với Nhà Đường quốc công[6].

Năm 609, Trưởng Tôn Thịnh qua đời, ngay sau khi việc định hôn giữa Trưởng Tôn thị và Lý thị không lâu. Ngay lập tức, mẹ và anh em bà bị huynh trưởng là Trưởng Tôn An Nghiệp đuổi ra khỏi nhà, bất đắc dĩ đến nương nhờ Cao Sĩ Liêm, được đối đãi hết sức chu đáo. Đến tuổi trưởng thành, anh trai bà Trưởng Tôn Vô Kỵ kết giao với con trai thứ hai của Đường quốc công là Lý Thế Dân. Khi Cao Sĩ Liêm gặp Lý Thế Dân, cảm thấy người này quả không tầm thường, lại biết việc hôn ước khi xưa, bèn đợi sau khi mãn tang Trưởng Tôn Thịnh thì liền tiến hành hôn lễ giữa Trưởng Tôn thị và Lý Thế Dân.

Năm 613, Trưởng Tôn thị xuất giá lấy Lý Thế Dân, lúc đó bà mới 13 tuổi, còn Lý Thế Dân vừa tròn 16 tuổi. Bà đối với Lý Thế Dân vô cùng hòa thuận, 2 người như hình với bóng, làm việc gì cũng có nhau. Sau khi thành hôn, một lần về thăm nhà của người cậu, phu nhân của Cao Sĩ Liêm là Trương thị thấy bên ngoài phòng của bà xuất hiện một con ngựa lớn, cao 2 trượng, đều có yên ngựadây cương đầy đủ. Trương thị khiếp vía, bèn đem sự việc nói với Cao Sĩ Liêm, nhờ thầy bói giải hộ. Vị thầy bói nói: "Long là quái tượng chỉ quẻ Càn, còn Mã là quái tượng chỉ quẻ Khôn, tức chỉ hậu phi tôn vị. Trong phủ đại nhân có dị tượng này, không chừng nữ quyến về sau có điềm hỉ vinh hoa tột độ.". Cao Sĩ Liêm nghe xong cực kì vui mừng[7].

Không lâu sau vài tháng sự kiện dị tượng xảy ra, Tùy Dạng Đế Dương Quảng phát động viễn chinh, Đường quốc công Lý Uyên cùng Nhị công tử Lý Thế Dân theo quân Tùy xuất chinh. Tháng 5 năm đó, Đậu phu nhân qua đời ở Trác quận. Tháng sau, Dương Huyền Cảm mưu phản, liên lụy đến Cao Sĩ Liêm bị biếm truất. Một là mẹ sinh, một là người cậu như cha ruột, cặp vợ chồng trẻ cùng gặp chuyện trong gia đình. Cả hai trong hoàn cảnh đó lại càng tương trợ lẫn nhau, tạo nên một mối quan hệ sâu đậm.

Năm 616, Tùy Dạng Đế phong Lý Uyên làm An Phủ đại sứ ở Thái Nguyên, nhận mệnh đến đó làm trấn thủ. Lý Thế Dân cùng Trưởng Tôn thị cùng theo Lý Uyên đến nhậm chức tại Thái Nguyên. Đậu phu nhân qua đời, trong nhà không có ai lớn tuổi, 17 tuổi Trưởng Tôn thị trở thành người chủ quản cả gia đình, trên dưới đều một tay bà sắp xếp ngăn nắp.